Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, ngành điện Thủ đô đã không ngừng thay đổi, đầu tư cải tạo lưới điện khang trang, hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tháng 8/2008, tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - Hoà Bình sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Sự kiện này đã tác động mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đó có ngành điện của Thủ Đô.
Thủ đô Hà Nội thay đổi sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính
Phát triển cả về lượng và chất
Anh Nguyễn Anh Tuấn - Đội trưởng Đội quản lý điện 01, Công ty Điện lực Thạch Thất có 19 năm công tác, gắn bó với ngành điện chia sẻ: “Thời điểm trước khi sáp nhập, khu vực nông thôn của Hà Tây cũ hiện trạng lưới điện cũ, chất lượng điện áp chưa ổn định khiến công tác quản lý điện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới nhu cầu của người dân trên địa bàn. Việc mất điện thường xuyên xảy ra, trong khi người dân không có phương tiện thông báo, do đó họ phải trực tiếp đến tổ điện để nhờ khắc phục”.
Những người thợ điện như anh Tuấn khi ấy luôn xuất hiện với chiếc đèn pin, thang tre, trên vai quàng chiếc túi, nhiệt tình hỗ trợ người dân xử lý các sự cố. “Tôi vẫn nhớ khi sửa lúc được lúc không, nhưng chắc chắn mỗi lần điện bừng sáng, là lại vui mừng vỗ tay reo hò như có hội”, anh Tuấn nói.
Chuyện chữa điện “tự phát” như vậy chỉ còn trong ký ức. Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, ngành điện dần hiện đại hơn, huyện Thạch Thất xóa sổ những đường dây điện chăng như mạng nhện, thay vào đó triển khai cải tạo và phát triển lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển của các phụ tải và cấp điện phục vụ dân sinh, doanh nghiệp…
“Với chìa khóa công nghệ, các dịch vụ điện ngày càng phát triển giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng. Và vì vậy, những người thợ điện như tôi ngày nào đã hoàn thành sứ mệnh của một thời gian khó, nhường chỗ cho những người thợ điện Thủ đô hiện đại, hiểu biết, chuyên nghiệp, làm việc theo đúng quy trình, đúng phận sự, tròn trách nhiệm”, anh Tuấn nói.
Sau 15 năm, ngành điện Thủ đô đã không ngừng thay đổi, đầu tư cải tạo lưới điện khang trang hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào công tác kinh doanh và dịch vụ đem đến sự hài lòng cho khách hàng; Đồng thời, xây dựng và nâng cao hình ảnh người thợ điện Thủ đô chuyên nghiệp, văn minh, hiệu quả.
Hệ thống lưới điện khu vực ngoại thành ngày càng hiện đại hóa
Viết tiếp tương lai
Ông Nguyễn Hữu Mạnh - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Quốc Oai, người đã có 34 năm gắn bó với ngành điện chia sẻ, trước thời điểm sát nhập, Điện lực chỉ bán điện trực tiếp trên địa bàn 2 xã là thị trấn Quốc Oai và xã Đại Thành, các xã còn lại được cấp điện bởi các tổ chức ngoài EVN.
Tại thời điểm đó, hệ thống lưới điện của các thị trấn và các xã được xây dựng từ nhiều năm, các đường nhánh hạ áp, cột điện chủ yếu là cột tự tạo, có nhiều nơi sử dụng cột tre, dây dẫn nhiều chủng loại, có khu vực dây dẫn điện là dây trần, dây lưỡng kim, tiết diện dây dẫn nhỏ so với nhu cầu sử dụng điện năng… “Điều này gây rất nhiều khó khăn mỗi lần thợ điện chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện hoặc khắc phục sự cố của từng khu vực”, ông Mạnh nhớ lại.
Hệ thống lưới điện đáp ứng nông thôn mới
Nhưng sau khi sáp nhập Thủ đô, lưới điện của huyện Quốc Oai luôn được quan tâm nâng cấp và đồng bộ hóa nhằm đảm bảo việc cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho sự phát triển của huyện. Đồng thời, từng bước được hiện đại hóa bằng việc áp dụng tối đa các công nghệ hiện đại để tiến tới xây dựng lưới điện thông minh. Điều này cũng giúp cho tỷ lệ tổn thất trên lưới điện giảm sâu qua các năm.
Điện thắp sáng ban đêm phục vụ các cánh đồng trồng hoa trên địa bàn huyện Mê Linh (Ảnh tư liệu)
Ông Mạnh chia sẻ, ngành điện Thủ đô đã dần chuyển mình từ cung ứng sang dịch vụ. Thợ điện bây giờ thường xuyên được đào tạo, nâng cao công tác chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và tác phong chuyên nghiệp... Ông mong rằng, thời gian tới, thợ điện Thủ đô sẽ tiếp tục thắp sáng niềm tin bằng tinh thần phục vụ, trách nhiệm, sự tận tâm và sáng tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ đem đến sự hài lòng tới khách hàng và cộng đồng.