Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương

05/12/2022 11:49
Tối 3-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại TP Vinh, Nghệ An.

 Tối 3-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại TP Vinh, Nghệ An.

Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Chương trình nghệ thuật "Ví đây đổi phận làm trai được" được dàn dựng công phu - Ảnh: DOÃN HÒA

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một người con của quê hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được tôn vinh "Bà chúa thơ Nôm" với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới.

Hồ Xuân Hương để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập thơ "Lưu Hương ký" có 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm cùng 100 bài thơ Nôm theo phong cách dân gian, phóng túng, thể hiện sự đặc sắc, phong phú của tiếng Việt.

Trải qua hàng thế kỷ, đến nay, thơ Hồ Xuân Hương vẫn được các thế hệ đương đại yêu mến, bởi mỗi tiếng thơ của bà đều đại diện cho tâm tư, tình cảm, khát vọng yêu và sống, sự quyết liệt trong đấu tranh bình quyền… của người phụ nữ.

Với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính quốc tế và vượt tầm thời đại, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng. Nhiều nhà thơ lớn nước ngoài ngợi ca bà là một trong những nữ sĩ hàng đầu châu Á, là nhà thơ nữ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới.

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 vào tháng 11-2021, UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh, cùng kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Ông Christian Manhart - trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - trao nghị quyết của UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Ảnh: DOÃN HÒA

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh việc UNESCO vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương là sự kiện chính trị rất quan trọng, niềm vinh dự, tự hào không chỉ cho Việt Nam, mà còn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An.

Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, nhất là trên lĩnh vực văn hóa.

"Lễ vinh danh, kỷ niệm là dịp để tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những di sản mà danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương để lại cho hậu thế, qua đó thấm thía hơn cội nguồn sức mạnh của văn hóa, văn hóa là hồn cốt của dân tộc", ông Quý nhấn mạnh.

Ông Christian Manhart - trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - bày tỏ vinh dự được thay mặt UNESCO dự lễ vinh danh ngay tại chính quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Hồ sơ đề nghị của Việt Nam đã được nhiều quốc gia thành viên ủng hộ và đã thuyết phục được 193 thành viên của UNESCO, bởi nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của châu Á.

Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ vinh danh - Ảnh: DOÃN HÒA

Phát biểu tại sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là dịp để bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, nhưng cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai.

""Ôn cố tri tân", đó là cách tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, học hỏi từ những di sản văn hóa của các bậc tiền nhân và cũng là thực hiện theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào tháng 11-2021 vừa qua", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chương trình nghệ thuật "Ví đây đổi phận làm trai được" có sự góp mặt của gần 400 diễn viên, ca sĩ, trong đó có 180 diễn viên múa chuyên nghiệp, 200 diễn viên quần chúng và 8 ca sĩ.

Với kết cấu đan xen giữa quá khứ, hiện tại, sử dụng hoạt cảnh dân ca ví giặm và kịch múa để xâu chuỗi các sự kiện, chương trình gồm năm trường đoạn.

Trong đó, đáng chú ý là ở trường đoạn 1, có phân đoạn khắc họa nhân vật Hồ Xuân Hương 11 tuổi lần đầu được về thăm quê, hân hoan giữa cảnh làng quê trù phú, tắm mình trong những câu ví, giặm và những câu ca ý tại ngôn ngoại của các nhà nho xứ Nghệ.

Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương

TTO - Sáng 3-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã về xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại quê hương của bà.

DOÃN HÒA

Theo Nguồn tuoitre.vn

Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Thông Tin