Đầu năm 1947, không biết do vô tình hay hữu ý, Bác Hồ đã lựa chọn xã Cần Kiệm - địa danh bao gồm hai đức tính “Cần” và “Kiệm” - là nơi dừng chân lâu nhất trên đường di chuyển từ Hà Nội tới Thủ đô kháng chiến.
Bác Hồ với bà con tại một lớp bình dân học vụ (Ảnh tư liệu)
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhật ký của ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác Hồ) kể lại rằng, khoảng 19h ngày 13/1/1947, tiết trời mưa phùn, giá rét, Bác cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng bí mật di chuyển từ thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) đến xã Cần Kiệm và ở, làm việc tại nhà cụ Nguyễn Đình Khuê (dân làng thường gọi là cụ Quý). Hôm ấy nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Bính Tuất. Khi đó, ngôi nhà của cụ Khuê làm bằng tre, lợp rạ, tường đất, sân đất, phía trước cửa che chắn bằng cánh dại thay cửa nhưng chưa hoàn thiện, chưa có người ở.
Đường vào và không gian bên ngoài Nhà lưu niệm Bác Hồ (Ảnh: Tuổi trẻ)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất từ ngày 13/1 đến ngày 2/2/1947 trong một lần rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Và chính trong căn nhà đơn sơ ấy, ngay ngày đầu tiên ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước”, trong đó có đoạn: “Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Vì nhân đạo, chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện”. Những ngày sau đó, Người cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ đã thảo luận và quyết định những việc hệ trọng tới vận mệnh đất nước.
"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.
Vật dụng giản dị của Bác Hồ được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thạch Thất bảo quản, lưu giữ
18 giờ 30 phút ngày 02/02, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xã Cần Kiệm chuyển đến khu chùa Một Mái, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa, ngôi Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng so với trước kia, gian giữa là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân trong vùng và khách tham quan có thể thắp hương tưởng niệm Người. Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu, kỷ vật lúc Bác đã từng ở, những bức ảnh chụp…
"Cung chúc Tân Xuân" - Bác Hồ viết tặng chủ nhà
19 ngày Người lưu lại thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm tuy không nhiều, nhưng là niềm tự hào, trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Chị Nguyễn Thị Lũy, cháu của cụ Nguyễn Đình Khuê, chủ ngôi nhà chia sẻ với báo chí: “Cụ tôi kể lại rằng, ngày 13/01/1947, cụ nhận được thông báo có đoàn cán bộ đến nghỉ trong căn nhà gia đình mới làm trên đồi. Khi ấy, trên đồi cây cối còn rậm rạp, từ đường chính, muốn đến đó phải len qua rừng cây, hoặc đi men theo đường nhỏ như bờ ruộng, cách xa trung tâm nên hết sức bí mật.
Sau 19 ngày sống và làm việc tại đây, trước khi đi, người cán bộ đêm hay ngồi viết sách cho mời cụ sang để cảm ơn, căn dặn cụ cùng các con cháu tích cực ủng hộ kháng chiến, tuyệt đối giữ bí mật. Và mãi về sau, cụ tôi mới biết, người mời cụ sang dặn dò hôm đó chính là Bác Hồ kính yêu. Nhớ lời Bác dặn, gia đình tôi và nhân dân xã Cần Kiệm luôn một lòng, một dạ theo Đảng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhà lưu niệm Bác Hồ phục vụ nhân dân đến viếng thăm mỗi khi Tết đến hoặc kỷ niệm Ngày sinh của Bác.
Ngày 13/5/1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp bằng công nhận Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm là di tích lịch sử cách mạng. Hiện Nhà lưu niệm Bác Hồ vẫn được bảo tồn để phục vụ nhân dân đến viếng thăm mỗi khi Tết đến hoặc kỷ niệm Ngày sinh của Bác.
Ở gian giữa là ban thờ, trên có tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương; còn các gian bên là nơi trưng bày tài liệu, bút tích và di vật gắn với thời gian Bác sống và làm việc tại đây như chiếc giường tre, chiếc bàn mộc, đèn bão, vại sành, chậu đồng, bản viết bốn chữ Hán “Cung chúc tân xuân” Bác tặng cụ Nguyễn Đình Khuê nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi...
Những năm gần đây, mỗi năm Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm đón trên 1 vạn lượt khách tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm lễ báo công, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử và văn hóa...
Với những điểm nổi bật về văn hóa, du lịch, Ban tổ chức Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn toàn quốc - Press Cup đã quyết định chọn Trung tâm thể thao Viettel (Học viện Viettel) nằm trong khuôn viên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Thạch Thất làm nơi tổ chức vòng chung kết của mùa giải 2023.
Vòng chung kết Press Cup 2023 diễn ra từ ngày 8 - 10/9 tại với sự tham dự của 12 đội bóng đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước không chỉ là cơ hội cho những người làm báo giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết mà còn là dịp quan trọng để tham quan, khám phá những điểm di tích, du lịch phong phú và nhiều ý nghĩa tại huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.
=> Press Cup nâng tầm chuyên môn, giữ nguyên giá trị cốt lõi
Thanh Hiền
Tags:Nhà lưu niệm Bác Hồ, du lịch Thạch Thất, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đâu, Nhà lưu niệm Bác Hồ Thạch Thất,