Nhiều chuyên gia phản đối việc Hà Nội dự kiến tăng học phí lên gấp đôi từ năm học 2022 - 2023 vì sẽ tạo gánh nặng cho phụ huynh, học sinh.
Nếu so sánh mức học phí mới được Hà Nội đưa ra dự kiến áp dụng từ năm học 2022 - 2023 theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, thì học phí các bậc còn lại đều tăng gấp đôi năm học trước. Việc này khiến nhiều chuyên gia lo lắng sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh.
TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng dịch COVID-19 mới lắng xuống, các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu khởi sắc 3 - 4 tháng trở lại đây, trong khi hơn một năm nghỉ dịch, nhiều người lao động thất nghiệp, sống bằng tiền tích luỹ từ trước. Nhiều người thậm chí kiệt quệ tài chính, giờ hoạt động mở cửa trở lại, họ mới bắt đầu dần vực dậy. Tăng học phí lên 300.000 đồng/tháng tương đương 3 triệu/năm học là quá cao.
Chuyên gia phản đối việc tăng học phí trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)
"Một năm học chỉ đóng 3 triệu đồng thì phụ huynh có thể cố gắng nhưng nhà trường còn đưa rất nhiều khoản phí xã hội khác đi kèm như: tiền điện, điều hoà, tiền thiết bị dạy học thông minh, bán trú, tiền ăn, đồng phục, dã ngoại... không dưới 15 - 20 triệu/năm học. Khoản chi này ảnh hưởng lớn đến các gia đình, đặc biệt những người làm nghề tự do", ông nói.
Mức học phí thấp hay cao phải so với mức thu nhập bình quân của người dân và muốn tăng phải dần dần, nếu không học sinh "không chịu được" sẽ bỏ học, khi đó, rất nguy hại, phi nhân văn.
Ông kiến nghị Hà Nội nên lùi thời gian tăng học phí, đưa mức học phí này cho năm học sau 2023 - 2024 để phụ huynh thêm thời gian tích luỹ, chuẩn bị. Nếu tăng ngay lúc này sẽ trở thành gánh nặng lớn vì xăng, điện, thực phẩm... đều đang tăng mạnh.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Văn Đông, Học viện Ngân hàng bày tỏ, học phí bậc phổ thông được xây dựng trên nguyên tắc cân đối với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm; nằm trong khung quy định của Chính phủ.
Trung bình mỗi năm, học phí tăng khoảng 7,5% theo chỉ số tiêu dùng của địa phương. Số tiền tăng thêm học phí một phần để cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm, bổ sung cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khôi phục kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19, việc tăng học phí cần sự tính toán hợp lý hơn và đồng thuận cao hơn từ người dân.
Mặt khác, vào đầu mỗi năm học, mức học phí chỉ chiếm khoảng 30% tổng số tiền phụ huynh phải đóng ở các trường. Các trường luôn đưa ra rất nhiều khoản thu chi khác "kêu gọi xã hội hoá" - phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện: tiền sách vở, đồ dùng học tập, bán trú, hoạt động ngoại khoá, trang thiết bị điện tử dạy học, bồi dưỡng học thêm... "Con tôi là điển hình, năm ngoái vào lớp 10 đầu cấp phải đóng tổng gần 9 triệu tiền học", ông lấy ví dụ.
Muốn tăng học phí cần có lộ trình và tạo được niềm tin, sự đồng thuận từ phụ huynh. Cần thiết là sự minh bạch trong thu chi của nhà trường bấy lâu nay, đặc biệt là hệ thống trường công lập.phải xóa bỏ được tình trạng lạm thu ở các nhà trường, đó mới là vấn đề khiến phụ huynh bức xúc chứ không hẳn là học phí.
Trao đổi với báo chí, theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc tăng các loại phí, thuế, trong đó gồm cả học phí là áp lực khách quan. Chỉ số giá tiêu dùng hiện tăng hơn trước rất nhiều và đây là tình hình chung khi các nước cũng chịu áp lực lạm phát, vấn đề khủng hoảng Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Do đó, việc các địa phương tăng học phí phải tương ứng với tăng chỉ số giá tiêu dùng. Mức tăng học phí phải thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ cả hai chiều.
Mức học phí vùng 1 dự kiến.