Ngày 13/11, mưa lớn khiến ta-luy dương trên tuyến ĐT601, đoạn qua đèo La Ngà (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Khu vực đèo La Ngà, đường ĐT 601 bị sạt lở do mưa lớn, ngày 13/11. Ảnh: VGP.
Mưa to kéo dài, nước sông Túy Loan ở Đà Nẵng vượt báo động 3
Thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, vị trí sạt lở nằm trên đường độc đạo dẫn đến các thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Đất đá và cây cối đổ xuống chắn ngang mặt đường, gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, UBND xã Hòa Bắc đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Hòa Vang. Đồng thời, xã cắt cử người cảnh giới không cho người và phương tiện qua lại vùng sạt lở đề phòng nguy hiểm. Theo lãnh đạo xã Hòa Bắc, vị trí sạt lở là vách đá dựng đứng, là đá "chết" nên rất nguy hiểm, dễ tiếp tục sạt lở. Về lâu dài, đề xuất mở tuyến đường mới qua đèo La Ngà, tuyến cũ chỉ nên sử dụng để tuần tra đập dâng Nam Mỹ.
Chiều và đêm 13/11, tại TP Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu. Một số nơi có lượng mưa rất lớn như: hồ Hố Cau (254mm), xã Hòa Khương (226mm), xã Hòa Bắc (222mm), hồ Đồng Nghệ (212mm). Mực nước trên các sông Túy Loan, Cu Đê lên nhanh, đạt đỉnh vào trưa 13/11, vượt báo động 3. Trong khi đó lũ trên sông Vu Gia đang dâng.
Mưa lớn tại huyện Hòa Vang khiến mực nước sông Túy Loan dâng cao, làm ngập các vùng trũng, thấp trên địa bàn khu vực các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn. Đặc biệt tại xã Hòa Nhơn, mực nước ngập cao nhất ghi nhận 1m vào chiều tối ngày 13/11.
Trước đó, giữa đêm 12/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Đà Nẵng đã ban hành văn bản cho học sinh các cấp nghỉ học vào ngày 13/11. Các trường tư thục căn cứ tình hình thực tế, chủ động quyết định việc đi học của sinh viên.
Theo đó, Sở GDĐT TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, trường học nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở và lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống thiên tai, bão lụt; Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra. Đồng thời, đảm bảo liên lạc thường xuyên, thông suốt hai chiều giữa lãnh đạo, Sở GDĐT, phòng GDĐT các quận huyện và thủ trưởng các đơn vị, trường học, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh. Yêu cầu các nhà trường chủ động khẩn trương tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp khi nước rút, mưa ngớt để trẻ mầm non, học sinh, học viên sớm trở lại trường. Khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Sở GDĐT, lãnh đạo địa phương để được hướng dẫn xử lý.
Mưa lớn còn kéo dài đến hết ngày 17/11
Trước tình hình mưa lớn diễn ra tại miền Trung, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã ban hành Công điện số 17 gửi Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên; Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công thương... lưu ý: Từ ngày 12 - 14/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa to đến rất to từ 80 - 180mm, có nơi trên 250mm. Khu vực Hà Tĩnh có mưa từ 80 - 150mm, có nơi trên 200mm; khu vực Thanh Hoá, Nghệ An có mưa từ 50 - 100mm, có nơi trên 150mm. Từ đêm 14 - 17/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục mưa từ 150 - 350mm, có nơi trên 450mm. Mưa lớn gây lũ trên các sông Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông khác từ Quảng Bình đến Phú Yên ở mức báo động 1- báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng khu vực trũng, thấp, các khu đô thị.
Yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Đặc biệt, các địa phương kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Đợt mưa lớn này tại các tỉnh miền Trung dự báo kéo dài tới hết ngày 17/11.
Để giảm thiệt hại do mưa lớn kéo dài, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch chu đáo để ứng phó kịp thời; không để đồng bào bị thiếu ăn trong mưa lũ. Tại huyện Phước Sơn, các xã vùng sâu vùng xa như Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc, Phước Công... bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi đề phòng sạt lở. Nhằm đảm bảo lưu thông an toàn, địa phương tổ chức cắm biển cảnh báo, chốt chặn tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, những khu vực nước chảy xiết; sẵn sàng các phương án để kịp thời di chuyển người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My cũng cho biết đã lên phương án sẵn sàng di dời người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Chủ đề: mưa to miền Trung Nước sông lên cao