Nhiều người cho rằng ngủ trưa lâu cơ thể sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn, tốt cho sức khỏe hơn. Tuy nhiên, đây không phải là quan niệm đúng. Nghiên cứu khoa học đã phát hiện, tùy theo nghề nghiệp, cường độ làm việc và thể trạng mà thời gian ngủ trưa từ 6 phút đến 40 phút đều mang lại lợi ích đáng kể.
6 phút: Trí nhớ bắt đầu tăng cường
Một nghiên cứu của Adam Clark trên tạp chí The Journal of Sleep Research đã cho biết thời gian ngủ trưa cực ngắn, chỉ 6 phút mỗi lần có khả năng làm gia tăng khả năng ghi nhớ của bộ não tốt hơn những giấc ngủ sâu.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Trường Đại học Duesseldorf (Đức). Trong thí nghiệm này, một nhóm người được yêu cầu đọc và ghi nhớ một số từ. Sau đó, họ được ngủ một giờ trước khi được kiểm tra về khả năng ghi nhớ. Trong số này, một số người chỉ ngủ 6 phút trong khi những người khác tiếp tục ngủ. Kết quả kiểm tra cho thấy những người chỉ ngủ 6 phút nhớ được nhiều từ hơn những người khác.
Tiến sĩ Olaf Lahl, thành viên nhóm nghiên cứu đã cho rằng, chính thời điểm rơi vào giấc ngủ có thể đã kích hoạt quá trình ghi nhớ của bộ não tạo ra hiệu ứng ghi nhớ nhiều hơn. Điều này không liên quan đến thời gian bao lâu người đó sẽ thức dậy.
Frederick Brown, Giáo sư Tâm lý học, thành viên Hiệp hội nghiên cứu về giấc ngủ khẳng định, những giấc ngủ ngắn rất hữu ích cho việc lưu giữ những ký ức. Đặc biệt, đối với những người có nhịp độ công việc căng thẳng, những phút nghỉ ngơi hợp lý trong ngày có ảnh hưởng rất tích cực.
20 đến 30 phút: Thời gian ngủ trưa tốt nhất
Theo tiến sĩ Sujay Kansagra (phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Duke ở Bắc California), ngủ là thời điểm mà huyết áp và nhịp tim có xu hướng thấp hơn so với khi thức giấc. Vì vậy, việc ngủ trưa có khả năng đóng vai trò phục hồi sức khỏe tim mạch. Miễn là 1 người không gặp vấn đề với chứng mất ngủ thì việc ngủ trưa rất tốt. Tiến sĩ khuyến nghị mọi người nên ngủ trưa từ 20 - 30 phút/ngày.
Ngoài ra, các nhà khoa học của NASA phát hiện ra rằng ngủ trưa 24 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc lên 34% và tăng độ nhạy cảm tổng thể lên 54%.
Ảnh minh họa40 phút: Nạp lại năng lượng cho bộ não
Nếu đêm hôm trước bạn không ngủ ngon và làm việc trong ngày đòi hỏi sự tập trung đặc biệt thì một giấc ngủ ngắn 40 phút có thể đưa bạn vào trạng thái ngủ nhẹ, giúp bạn nạp lại năng lượng cho não.
Nếu muốn ngủ từ 40 đến 45 phút, tốt nhất bạn nên đặt đồng hồ báo thức. Nếu ngủ trưa quá 45 phút, bạn sẽ rơi vào giấc ngủ sâu, dễ dẫn đến mệt mỏi, lú lẫn sau khi thức dậy do "quán tính giấc ngủ".
Ngủ quá 60 phút: Nhiều tác hại cho cơ thể
Trên Tạp chí của Hiệp hội Alzheimer Mỹ, một nghiên cứu được công bố đã chỉ ra rằng, ngủ trưa lâu không phải là điều tốt, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt những người có thói quen ngủ trưa quá 1 tiếng đã tăng 40% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer so với những người không ngủ trưa.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự gia tăng đáng kể về thời gian và tần suất ngủ trưa là một tín hiệu đặc biệt quan trọng của bệnh Alzheimer. Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng có mối liên hệ 2 chiều giữa giấc ngủ ngắn và bệnh Alzheimer. Ngủ trưa quá nhiều và quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai và bệnh Alzheimer cũng sẽ dẫn đến việc ngủ trưa quá lâu.
Mặt khác, nghiên cứu do Hiệp hội Tim mạch Mỹ phân tích cho thấy những người ngủ trưa từ 1 giờ trở lên mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao gấp 1,82 lần so với những người không ngủ trưa.
Bên cạnh thời gian ngủ, giờ ngủ cũng đặc biệt quan trọng đối với giấc ngủ trưa. Hầu hết các chuyên gia về giấc ngủ đều khuyên nên ngủ trưa trong khoảng từ 1 - 2 giờ, muộn nhất là 2 giờ chiều, theo Sleep Foundation.
Ngủ trưa sau 2 giờ chiều có thể ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ vào ban đêm, có khả năng làm gián đoạn chu kỳ ngủ về đêm của bạn.
-> Người già có nên ngủ trưa không?
Phương Anh (Theo Aboluowang)