Người Việt thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

14/10/2023 15:39

Ở Việt Nam hiện nay, sự gia tăng nhanh về dân số cùng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao tạo ra sức ép không hề nhỏ đến môi trường. Lượng rác thải ra môi trường ngày càng lớn nhưng chưa có biện pháp xử lý phù hợp. Chính vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường giờ đây không còn là việc của riêng 1 cá nhân hay tập thể mà trở thành công việc chung của toàn xã hội.

Đáng chú ý, đa phần người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ đã ít nhiều biết được tác hại của rác thải đối với sức khỏe và môi trường. Không ít người tập thói quen tiêu dùng thông minh và thân thiện với môi trường, bắt đầu từ việc sử dụng các sản phẩm xanh.

Người Việt thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Người Việt dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh để bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)

Những sản phẩm “xanh” bao gồm tất cả các ngành hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm,… Chúng đều được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, ít gây hại tới sức khỏe và môi trường sống.

Ngoài ra, các sản phẩm “xanh” này còn bao gồm các yếu tố như quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại. Hoặc những sản phẩm đó giúp cho mỗi người trở thành người tiêu dùng xanh tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khác.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, tại nước ta hiện nay có nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông.

“Nhiều siêu thị lớn của Việt Nam đã có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm thiểu túi ni lông, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi ni lông; sử dụng, phân phối các loại túi tái sử dụng thân thiện môi trường với giá phải chăng, cung cấp những thùng carton, băng keo cho khách hàng,… Các chương trình này nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Đây là dấu hiệu tích cực trong quá trình thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới bảo vệ môi trường của người Việt.” - TS. Hoàng Dương Tùng cho hay.

Người Việt thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Nhiều siêu thị sử dụng lá chuối để gói thực phẩm thay túi ni lông (Ảnh minh họa)

Không chỉ trong siêu thị hay các trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê đã chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi ni lông.

Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi rác lấy quà. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà nẵng không khó để bắt gặp các điểm thu gom các loại rác có thể tái chế như giấy, chai nhựa, vỏ lon bia,... Tại các điểm thu gom này luôn túc trực sẵn nhân viên môi trường để phân loại. Sau đó tùy theo khối lượng rác, người dân sẽ được đổi các phần quà tương ứng như cây xanh, nước rửa bát, xà phòng,...

Mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam.

“Mức thu nhập của nhiều người dân Việt Nam chưa cao, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh còn hạn chế. Trong khi đó, chi phí để sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường thường lớn hơn nhiều so với loại hàng hóa tương tự, nên giá thành cao và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, quá trình để người dân chuyển sang sử dụng hoàn toàn các sản phẩm thân thiện với môi trường còn nhiều khó khăn.”, TS. Hoàng Dương Tùng phân tích.

Người Việt thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Các sản phẩm xanh có giá thành cao hơn nên khó tiếp cận người tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững, theo TS. Hoàng Dương Tùng cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương là rất cần thiết trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Phương Anh

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Người Việt thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường - Đời Sống