SGK Cánh Diều được đánh giá là dễ dạy, dễ học

25/12/2023 15:29

Tiếp nối thành công của bộ sách giáo khoa Cánh Diều dành cho lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Huế, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM và Công ty CP Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã tiếp tục phối hợp biên soạn và cho ra mắt bộ SGK lớp 4, 8 và 11.

Bộ sách với đầy đủ các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ sách đã được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt là một trong những bộ sách được đưa vào sử dụng trong nhà trường từ năm học 2023 - 2024.

SGK Cánh Diều được đánh giá là dễ dạy, dễ học

Tất cả nội dung được biên soạn trong sách giáo khoa Cánh Diều đều được các chuyên gia cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Là bộ sách giáo khoa xã hội hóa thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK Cánh Diều đã tạo nên sự khác biệt. Đó chính là chất lượng.

VEPIC có đội ngũ tác giả chuyên môn cao, có kinh nghiệm, có năng lực biên soạn SGK, đặc biệt là với tâm huyết, với sự nghiệp giáo dục và phần lớn đã tham gia biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sự công phu trong công tác biên soạn SGK Cánh Diều đã được PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình GDPT 2018, Chủ biên và Tổng chủ biên sách Ngữ văn THCS và THPT, bộ Cánh Diều, chia sẻ, sau khi có chương trình, cần chọn được nhóm Chủ biên, Tổng chủ biên và tác giả sách.

Những người này phải có hiểu biết chắc chắn về khoa học cơ bản, về phương pháp dạy học và hiểu biết về giáo dục phổ thông (đối tượng học sinh, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học....).

Mỗi môn học tùy theo số lượng tiết học mà cần số lượng tác giả ít hay nhiều cho phù hợp. Với môn Ngữ văn cả 3 cấp học cần khoảng trên dưới 30 tác giả.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả phải nghiên cứu chương trình, tham khảo SGK một số nước về môn học; từ đó xác định được cấu trúc bộ sách dựa trên một tư tưởng sư phạm rõ ràng, có ý đồ và triết lý biên soạn bảo đảm vừa kế thừa, vừa đổi mới đáp ứng được yêu cầu của chương trình.

Tiếp theo là cần xây dựng đề cương sách, nhóm Chủ biên, Tổng chủ biên phải nghiên cứu chương trình và xây dựng được đề cương sách cho không chỉ 1 lớp mà cả 12 lớp.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại là chương trình mở, chỉ nêu các yêu cầu cần đạt, không quy định rõ các nội dung cụ thể cho mỗi lớp (với môn Ngữ văn không nêu mỗi lớp phải dạy các tác phẩm văn học nào). Như thế đề cương phải hình dung và nêu lên được một ma trận gồm: Mỗi lớp bao nhiêu bài học, mỗi bài học bao nhiêu tiết và có những nội dung gì lớn... Phải có ma trận ấy thì mới biên soạn thống nhất, không trùng lặp và có sự phát triển giữa các lớp, các cấp...

Đồng quan điểm, TS. Bùi Phương Nga - Chủ biên SGK Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3 và chủ biên sách giáo khoa Khoa học lớp 4, 5, bộ sách Cánh Diều cho hay, không phải nhà khoa học nào hay cán bộ giảng dạy đại học nào cũng có thể biên soạn được SGK. Có thể có những nhà khoa học chuyên môn rất giỏi nhưng những lĩnh vực về tâm lý giáo dục hoặc đi sát vào lứa tuổi học sinh lại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hơn nữa, viết SGK cho phổ thông khác với viết các giáo trình đại học. Ở phổ thông, kiến thức chuyên môn chuyên ngành thôi chưa đủ mà còn cần có hiểu biết về giáo dục học, phương pháp dạy học.

Ví dụ, vẫn bài học như thế phải nghiên cứu yêu cầu cần đạt của chương trình, con đường nào tiếp cận để xây dựng nên bài học nhằm đáp ứng mục tiêu của chương trình mới. Chương trình mới được xây dựng không tiếp cận dựa trên nội dung môn học đơn thuần mà tiếp cận theo định hướng hình thành phẩm chất và phát triển năng lực cho học sinh.

Vì vậy, các tác giả phải cân nhắc lựa chọn nội dung gì mức độ kiến thức chuyên môn đề cập đến đâu cho phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh, phương pháp tiếp cận ra sao, vận dụng kiến thức kỹ năng đã học vào đời sống như thế nào… để thể hiện ra trong bài học.

"Tôi vừa là chủ biên của bộ SGK Tự nhiên và Xã hội, Khoa học cũ, bây giờ là chủ biên mới cho SGK Tự nhiên và Xã hội, Khoa học của bộ sách Cánh Diều, ngay bản thân tôi cũng không thể đi vào lối mòn được. Vẫn phải bỏ thời gian, công sức ra nghiên cứu để đáp ứng được tinh thần đổi mới được thể hiện trong sách giáo khoa".

Nhờ sự đầu tư nghiêm ngặt về tác giả biên soạn, SGK Cánh Diều được đánh giá là dễ dạy, dễ học, dễ kiểm tra, đánh giá, nguồn tài nguyên, học liệu phong phú, hỗ trợ dạy và học mọi lúc mọi nơi.

Đặc biệt, khâu trình bày nội dung rất được chú trọng, giảm thiểu tối đa chữ viết, các bức hình minh họa cũng được thể hiện ấn tượng, đặc sắc. Điều này không chỉ giúp học sinh dễ nắm bắt kiến thức hơn mà các thầy cô giáo cũng dễ dàng mang đến những tiết học sôi động, thú vị và sinh động.

Các bài học thực hành có thể được lồng ghép hoặc tách biệt với bài học lý thuyết, đảm bảo học sinh được hiểu hơn về lý thuyết nhưng cũng biết cách áp dụng chúng vào trong thực tế, góp phần khơi dậy tinh thần hiếu học và sự thông minh, sáng tạo của các em.

PV

Theo Nguồn giadinhonline.vn

SGK Cánh Diều được đánh giá là dễ dạy, dễ học - Đời Sống