Nguồn tin từ cảnh sát La Paz cho hay, người phụ nữ khai, một đêm cuối tháng 6, người chồng 45 tuổi của cô vô tình thổ lộ tình cảm với một người khác trong lúc mơ ngủ. Vì quá tức giận, cô vào bếp đun một nồi nước sôi rồi tạt thẳng vào vùng kín của anh ta. Người đàn ông nhập viện trong tình trạng bỏng độ 2 ở vùng kín, cánh tay và lưng.
Phó giám đốc lực lượng chống tội phạm đặc biệt ở La Paz, cho biết, đây không phải là lần đầu tiên người đàn ông bị vợ bạo hành. Trong một lần "nổi cơn thịnh nộ" trước đó, cô vợ cho chồng uống rượu và cố gắng thiêu sống anh này.
Tấm áp phích tuyên truyền và giới thiệu đường dây nóng hỗ trợ nam giới bị bạo lực gia đình ở Anh. Theo thống kê, khoảng 1/6 nam giới trưởng thành ở Anh từng là nạn nhân bạo lực gia đình. Ảnh: North Wales Police.
Trên thế giới, đàn ông bị bạo hành trong gia đình không hiếm. Thống kê ở Mexico cho thấy khoảng 25% số nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới. Ở Kenya, Nigeria hay Ghana, nạn thất nghiệp và nghèo đói thường xuyên gây ra các vụ tương tự.
Tại Đức, từ đầu năm 2020, đường dây trợ giúp đầu tiên dành cho các nạn nhân nam đã đi vào hoạt động. Hàng chục người đàn ông gọi đến mỗi tuần, hy vọng nhận được sự giúp đỡ mà họ cần.
Kết quả một cuộc thăm dò 8.000 cặp vợ chồng Mỹ trong vòng 10 năm (1975-1985), tỷ lệ phụ nữ tấn công nam giới ngang ngửa tỷ lệ đàn ông giở trò vũ phu với vợ. Elizabeth Bates, nhà nghiên cứu tại ĐH Cumbria (Anh) cho biết, dẫu vậy đến nay xã hội không thừa nhận rằng đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bà cảnh báo: "Chuyện đàn ông bị vợ bạo lực đôi khi được miêu tả trên TV hoặc trong các chương trình với bối cảnh hài hước. Chúng ta có thể cười nhạo bạo lực của phụ nữ với nam giới và điều này vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ". Trên thực tế, điều này có thể khiến các nạn nhân nam phải trả một cái giá rất lớn.
Nhật Minh (Theo OC)