Những trải nghiệm thấm đẫm vị mặn chát của nước mắt trên được nữ giám đốc Vân Trang chia sẻ với VietNamNet trong câu chuyện về một thập kỷ "trầy trật" biến rác thành giấy bọc đồ cho những thương hiệu lớn đi ra toàn cầu.
Công ty Cổ phần Karta là đơn vị hiếm hoi chuyên sản xuất giấy tái chế thành giấy tổ ong bọc đồ cho ngành gỗ, thiết bị điện tử, dệt may… để các ông lớn FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và doanh nghiệp nội xuất khẩu đi các quốc gia.
Từ một người đầu tư chứng khoán, chị Lưu Vân Trang (sinh năm 1977), Giám đốc Karta đã chọn nhảy ngang sang lĩnh vực sản xuất ngành hàng ngách, không ai biết tới.
- Điều gì khiến chị từ nhà đầu tư chứng khoán lại lao vào lĩnh vực sản xuất vốn vất vả?Chị Lưu Vân Trang: Tôi tay ngang, vốn là dân tài chính, đầu tư chứng khoán. Thời điểm đó, khi tham gia thị trường chứng khoán, tôi luôn muốn sở hữu một công ty được niêm yết trên sàn. Đó là lý do, tôi chuyển sang lĩnh vực sản xuất.
Là dân chứng khoán, tôi đọc dữ liệu và rất hiểu về lợi nhuận các ngành, nghề. Ông xã từng khuyên tôi làm lĩnh vực dược, nếu theo ngành này thì tôi đã không "trầy trật" đoạn trường. Cũng có người khuyên chọn ngành ăn uống, mở chuỗi nhà hàng, nhưng tôi lại nghĩ, mình cứ phải giết con gì mới sống được à?
Ngành giấy có vẻ lành, nên tôi quyết định mua lại toàn bộ một nhà máy giấy cũ tại Bình Dương, rồi bắt đầu làm giấy tổ ong. Tôi ký hợp đồng mua nhà máy trong 5 phút, nghề chứng khoán rèn tôi việc quyết định mua hoặc bán trong khoảnh khắc. Nhưng nếu chỉ vì tiền thì không còn gì thú vị cả, kinh doanh không đơn thuần là kiếm tìm lợi nhuận, mà cần giải quyết các vấn đề xã hội để có lợi nhuận. Do vậy, nguyên liệu đầu vào của chúng tôi là giấy vụn ve chai được mua lại, toàn bộ được ép, nấu thành giấy cuộn, rồi tạo giấy tổ ong.
Công ty có chứng nhận FSC quốc tế về không chặt cây, 100% sản phẩm tái chế. Mùa cao điểm, chúng tôi sử dụng 30-50 tấn giấy vụn/ngày, còn trung bình là 20 tấn giấy vụn/ngày, tương đương, hơn 7.000 tấn giấy vụn/năm.
- Chị vừa nhắc đến phải "trầy trật" khi chuyển hướng sang làm sản xuất. Từ mua nhà máy cũ tới tạo ra một sản phẩm lạ đời, mọi thứ quá khó khăn
Nói chính xác là quá gian nan.
Tôi rất nhớ cuối ngày đầu tiên khi tiếp quản nhà máy cũ, hết giờ làm, công nhân ký tên, điểm danh vào bảng chấm công thì họ toàn đánh dấu thập. Chỉ 5-6 người trên 50 công nhân có thể viết được tên của mình, còn lại không biết chữ. Vậy là sau 5h chiều, hết giờ làm, tôi ở lại nhà máy để dạy chữ cho công nhân. Mà đâu có dễ, muốn công nhân ở lại học thì phải tính tăng ca, tôi trả tiền cho họ rồi chính tôi cầm tay công nhân, dạy viết chữ cái, con số, viết tên. Lao động 40-50 tuổi tự viết được tên mà hoan hô như dạy trẻ nhỏ.
Ngày nào cũng vậy, tôi cứ 6h sáng ra khỏi nhà, 8h tới nơi và ở nhà máy sản xuất đến khi dạy học xong mới về, tôi ăn tối trên xe, 12h đêm có mặt tại TP.HCM. Con tôi khi đó đang học lớp 1, nửa đêm mới được nhìn thấy con thì nó đã ngủ rồi.
Để có sản phẩm như hiện tại, năm 2008, tôi nhập một chiếc máy làm giấy tổ ong về Việt Nam, máy có giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Thú thật, nhiều người tưởng vợ chồng tôi có vấn đề về thần kinh. Thời điểm đó, nếu tôi dùng 10 tỷ đi mua gom đất ở Bình Dương, Đồng Nai, thì không biết tôi đang ở đâu lúc này. Đại gia bất động sản chăng? (cười).
Dàn máy tổ ong trên chạy dài 70m, do 5 người vận hành. Từ giấy cuộn, dàn máy cho ra các tấm giấy tổ ong. Sau đó, tấm giấy sẽ được chuyển sang máy cắt theo quy cách, cho ra sản phẩm như yêu cầu khách hàng. Tất cả trải qua 14 bước. Vấn đề là, thời điểm nhập máy về nước, tôi không thể tìm được người vận hành, bởi, không ai biết máy đó là gì. Tôi phải thuê chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc) chỉ cách vận hành máy trong 3 tháng. Nuôi thầy, cưng và phục vụ ăn uống cho thầy hơn cha mẹ mình. Có như vậy, chuyên gia mới truyền lại đủ kiến thức về máy, nếu không, khi thầy về nước, công nhân vận hành sẽ gặp khó.
Đáng buồn, khi công nhân đứng máy thuần thục rồi, họ yêu cầu tôi phải cho vay tiền thì mới chịu đi làm, tiền đó ngoài lương. Mình là chủ nhưng bị thợ bắt nạt, bởi mới vào nghề, mình không thể tự chạy máy nên công nhân nói gì thì nghe đó. Tôi vẫn nhớ một ngày, ba tôi đi trong nhà máy sản xuất, ông khoác vỗ vai tôi rồi nói: “Ba khuyên con bỏ nghề giấy đi. Con từng đầu tư chứng khoán mất tiền tỷ mỗi ngày thì giờ đắt rẻ gì cũng bán nhà máy đi”. Tôi lặng người vì câu nói của cha mình. Nước mắt tôi lưng tròng.
Cay đắng. Đau chứ. Tôi không nghĩ gì cho mình mà chỉ thương cha tôi, chắc chắn, ông đã suy nghĩ nhiều mới nói câu đó. Cha thấy tôi quá vất vả, chạy lo cơm từng bữa cho chuyên gia, rồi tôi lại bị bắt nạt bởi công nhân của chính mình, những người không đáng bắt nạt mình trong cuộc đời.
- Sau lời khuyên của cha, chị có ý định buông ?
Nếu buông thì đó không phải tôi. Thời điểm đó, mỗi lần soi gương, tôi thấy mình già, xấu đi từng ngày, phụ nữ hơn 30 tuổi mà nhìn như ngoài 40 tuổi. Nhưng, tôi tự nhủ, phải bình tĩnh sống. Đây là lần đầu tiên tôi mua doanh nghiệp, lần đầu đã bỏ thì sao dám làm lần sau. Bỏ thì quá dễ nhưng tôi sợ thành thói quen. Ai đó nói rằng, con cái sẽ nhìn vào cha mẹ như một tấm gương soi chiếu cuộc đời. Do vậy, tôi phải đi tới cùng. Lĩnh vực càng khó, càng ít cạnh tranh. Thành công có giá của thành công.
- Như chị nói, vận hành máy để tạo ra được sản phẩm đã không dễ. Vậy tiêu thụ sản phẩm thì sao?
Thời điểm ban đầu, bán sản phẩm ra thị trường khó vô cùng. Hãy hiểu rằng, chúng tôi không bán hàng cho người tiêu dùng cuối cùng mà bán cho đối tác doanh nghiệp (B2B).Tôi đi tìm gặp các doanh nghiệp, giải thích việc thay từ bọc đồ mút xốp sang bọc đồ bằng giấy tổ ong là cần thiết cho môi trường. Có thể doanh nghiệp thấy hay nhưng đối tác nhập khẩu, người tiêu dùng không yêu cầu thì việc thay đổi là không cần thiết.
Bên cạnh đó, sản phẩm bọc đồ hiện tại vẫn dùng tốt, còn giá giấy tổ ong lại cao hơn 5-10%. Họ yêu cầu làm sản phẩm mẫu nhưng vẫn từ chối tôi. 10 người thì từ chối cả 10, nhiều lúc tôi thấy nản.
Nhưng, điều gì đến rồi sẽ đến. Trước tác động của biến đổi khí hậu, người sử dụng thay đổi rất nhanh hành vi tiêu dùng, ý nghĩa của sản phẩm thân thiện môi trường được nâng lên. Chúng tôi bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Người tiêu dùng cuối cùng quyết định rất nhiều tới sự thay đổi trong chuỗi sản xuất. Đơn cử, bạn tôi có con học bên Mỹ, vừa rồi, cháu mua một chiếc bánh ở cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ để ăn và bị tiêu chảy. Cháu lập tức gửi email phản hồi lên Hội Người tiêu dùng.Hội đó thống kê các phản hồi và nhận thấy, nhiều người cũng có phản ánh tương tự. Họ bắt đơn vị phân phối phải kiểm nghiệm bánh, và phát hiện nguyên nhân gây tiêu chảy đến từ nguyên liệu bột của cùng một nhà cung cấp. Do đó, nhà phân phối thu hồi tất cả sản phẩm có sử dụng loại bột trên tại Mỹ. Nói ra để thấy, người tiêu dùng luôn được lắng nghe. Làn sóng tiêu dùng xanh, sản xuất xanh cũng bắt đầu như vậy tại châu Âu, Mỹ từ năm 2017-2018.
Một dẫn chứng khác, có doanh nghiệp xuất khẩu chuyên dùng tấm pallet gỗ để bảo vệ hàng gốm, tôi từng nhiều lần thuyết phục họ sử dụng pallet bằng giấy tổ ong nhưng họ không chịu.
Khoảng nửa năm sau, đại diện công ty tìm đến văn phòng tôi và đề nghị ký hợp đồng tiêu thụ pallet giấy tổ ong. Nguyên nhân, trong container hàng xuất khẩu, vô tình phát hiện mối mọt trong tấm pallet gỗ do hun trùng gỗ chưa kỹ. Hàng bị giữ tại cảng hải quan nước bạn ít ngày, sau đó, cơ quan chức năng không chấp nhận việc xịt khuẩn tại chỗ, họ yêu cầu doanh nghiệp phải đưa hàng về. Như vậy, thay vì tiết kiệm khoảng 5% chi phí khi dùng pallet giấy tổ ong, doanh nghiệp sử dụng pallet gỗ phải tốn thêm phí hun trùng, hay các phí phát sinh lớn trong đơn hàng trên.
Trong khi, giấy tổ ong được sản xuất dưới nhiệt độ cao nên không gặp vấn đề như vậy. Còn nếu bọc đồ bằng mút xốp, doanh nghiệp phải chịu thêm thuế bảo vệ môi trường khi xuất khẩu hàng sang nước bạn. Bởi, mút xốp không tan, có thể tồn tại cả trăm năm ngoài môi trường, còn giấy thì hoàn toàn ngược lại.
- Từ dân đầu tư chứng khoán rồi tay ngang, nhảy sang lĩnh vực sản xuất hoàn toàn mới. Chắc chị còn ấp ủ có những sản phẩm mới nữa?
Hiện, doanh thu chính của Karta tới từ mảng bọc đồ xuất khẩu, đóng gói công nghiệp. Chúng tôi tự tin trong thị trường ngách này. Hiện tại, công ty cung cấp bọc đồ, lót bên trong thùng đựng cho các sản phẩm của ngành hàng điện tử, nội thất, dệt may…chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu như Samsung, Triump, Sanofi, gỗ Trường Thành... Nếu anh mua hàng ở nước ngoài, thấy giấy bọc tổ ong thì rất có thể là sản phẩm do chúng tôi làm ra. Giấy tổ ong đã đi toàn thế giới.
Tôi chưa có dự định nào khác ngoài gắn bó với giấy tái chế. 10 năm cho một hành trình khởi nghiệp, đó là cả tuổi trẻ, quãng đời thanh xuân. Đến giờ, tôi mới bắt đầu được nếm chút vị ngọt của thành công.Hơn 10 năm trước, tôi ngồi với các dữ liệu chứng khoán và mơ về một công ty niêm yết, tôi vẫn đang giữ giấc mơ đó bên mình.
Trước mắt, năm 2025, công ty sẽ tự làm đồ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ để thô hoàn toàn… bằng giấy tổ ong. Hãy hình dung, thay vì đầu tư vài trăm triệu tiền bàn ghế cho một quán cà phê, giờ chỉ tốn vài chục triệu. Hay đồ nội thất giá rẻ cho công nhân chỉ vài trăm nghìn/bộ, độ bền lâu, miễn sao không ngâm đồ trong nước. Chính tôi sử dụng bàn ghế từ giấy tái chế trong 7-8 năm qua, muốn thay thì thay chứ không hỏng. Độ chịu lực của giấy tổ ong đã đạt tới khoảng 1 tấn, kê vật nặng trên bề mặt không ảnh hưởng.
Ngoài ra, tôi muốn giấy tái chế được sử dụng đa mục đích hơn, tôi đã bắt đầu làm túi, mũ bằng giấy… Công ty dự kiến mở rộng dần quy mô sản xuất. Tôi nghĩ, đây là thời điểm, các doanh nghiệp theo xu hướng xanh, phát triển bền vững nên nhận được hỗ trợ để đón đầu xu thế.
- Ý chị nói là sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước?
Đúng vậy, về vốn hoặc kết nối giao thương chẳng hạn. Nói ra không phải so sánh, nhưng tôi vừa đi hội chợ triển lãm tại Hồng Kông (Trung Quốc) về, tôi thấy họ có chính sách trải thảm thực sự cho doanh nghiệp nội địa phát triển tốt.
Như chi phí thuê địa điểm làm việc và chỗ ở tại Hồng Kông rất đắt, nhưng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong vòng 1 năm, công ty sẽ được bố trí chỗ làm việc với tiêu chuẩn văn phòng hạng sang, có vị trí đẹp để tiện giao dịch, chỗ ở cũng được hỗ trợ khoảng 70% chi phí. Ví dụ, tiền thuê là 10.000 USD Hong Kong (khoảng 30 triệu đồng) thì công ty chỉ mất 3.000 USD Hong Kong (9 triệu đồng). Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp cần thông tin gì để tìm hiểu thị trường phục vụ lĩnh vực họ làm, sẽ được cơ quan nhà nước cung cấp toàn bộ thông tin trong vòng 30 phút.
Chưa kể, đi hội chợ từ bên đó về nước, tôi còn được nhận vé máy bay khứ hồi miễn phí cho 2 người, phía bạn lo toàn bộ chi phí ăn ở khách sạn, mời doanh nghiệp Việt tiếp tục sang xúc tiến thương mại thời gian tới, nhằm thúc đẩy cho doanh nghiệp nội bán hàng.
Hàng Karta đi toàn cầu nhưng quy mô công ty vẫn còn ở mức khiêm tốn, chúng tôi cần sự hỗ trợ như vậy. Mở rộng hơn, nền sản xuất nói chung của doanh nghiệp Việt còn yếu, đó là điều phải thừa nhận để tìm cách khắc phục dần. Việc khắc phục tới từ hai yếu tố: tác động chính sách bên ngoài và nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.
Có thể hiểu như thế này, chúng ta đã được chọn sinh ra ở đâu thì hãy thuận tự nhiên, như cây cao su ở Bình Dương sẽ phát triển tốt nhất, hay cây vải trồng ở Hải Dương sẽ ngon. Kinh doanh cũng cần thuận tự nhiên như vậy. Chúng ta sinh ra trong một gia đình có bố mẹ nghèo khó, nhưng chúng ta không thể đổ lỗi cho gia đình mình vì lý do trên. Thay vào đó, người con cần lấy đó làm động lực vươn lên, cố gắng từng ngày, thương hơn bố mẹ mình, thương hơn gia đình mình. Doanh nghiệp Việt nên mang theo tinh thần này.
- Xin cám ơn chị về cuộc phỏng vấn!