Trồng 'cây làm giàu', người dân Thanh Hoá lâm cảnh nợ nần

12/12/2023 12:20

Cây gai xanh hứa hẹn là loại cây mang lại thu nhập cao, từng được người dân ví von là 'cây làm giàu' nhưng vừa trồng đại trà được 3 năm nay thì người dân ở Thanh Hóa lâm cảnh nợ nần, đứng ngồi không yên.

Đầu tư tiền tỷ, mới 2 năm đã thu hồi vốn

Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha; giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

Trồng 'cây làm giàu', người dân Thanh Hoá lâm cảnh nợ nần

Diện tích trồng cây gai xanh tập trung chủ yếu ở huyện Cẩm Thủy.

Huyện Cẩm Thủy được xem là “thủ phủ” của vùng nguyên liệu cây gai xanh với tổng diện tích hơn 400ha, trong đó nhiều nhất là xã Cẩm Tú với gần 100ha, được trồng đại trà từ năm 2021 đến nay.

Là người tiên phong trồng cây gai xanh, năm 2018, gia đình bà Phạm Thị Thanh (thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú) trồng hơn 1ha, mang lại thu nhập cao. Đến năm 2021, gia đình bà tăng diện tích lên 19ha. Nhờ đó, chỉ trong năm 2021, trừ mọi chi phí, gia đình bà thu về hàng tỷ đồng.

Theo bà Thanh, gai xanh không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà người dân nơi đây gọi nó là “cây làm giàu”. Một năm thu hoạch 4 vụ liên tục, mỗi vụ gia đình bà phải thuê 40 đến 50 lao động, chi phí trả nhân công lên tới 8 đến 10 triệu đồng/ngày. Nhờ trồng cây gai xanh, mỗi năm gia đình bà thu tiền tỷ.

“Với diện tích trên, tiền đầu tư ban đầu nhà tôi bỏ ra 1 tỷ đồng. Gốc cây gai xanh có tuổi đời 10-15 năm. Chỉ 2 năm qua, nhà tôi đã thu hồi được vốn đầu tư. Theo lộ trình, các năm tiếp theo chỉ việc hưởng thành quả”, bà Thanh nói.

Trồng 'cây làm giàu', người dân Thanh Hoá lâm cảnh nợ nần

Cây gai đã được tuốt thành sợi, người dân đang phơi cho khô.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên có hơn 2ha đất sản xuất trồng sắn và các loại cây trồng khác cho thu nhập thấp và không ổn định.

Năm 2021, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây gai xanh. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Chỉ trong năm 2021, qua 4 vụ thu hoạch, trừ chi phí, cây gai xanh đã mang lại thu nhập cho gia đình anh trên 100 triệu đồng.

"Ngày trước nhà máy chạy theo dân, giờ dân chạy theo nhà máy nài nỉ"

Không thể phủ nhận cây gai xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng từ đầu năm 2022 trở lại đây, việc chậm thanh toán và nhập sợi khiến người trồng cây gai lao đao.

Theo bà Thanh, diện tích trồng cây gai của nhà bà vẫn đang thu hoạch. Tuy nhiên, hơn 10 tấn sợi tồn kho suốt nhiều tháng qua do công ty chưa nhập khiến nhà bà không thể xoay xở, rất khó khăn trong quá trình tái đầu tư.

Trồng 'cây làm giàu', người dân Thanh Hoá lâm cảnh nợ nần

Nhà bà Thanh đang tồn kho hơn 10 tấn sợi do nhà máy chậm thu mua.

Cũng như nhà bà Thanh, gia đình ông Phạm Văn Băng (SN 1964) trú thôn Giang Sơn, xã Cẩm Giang có hơn 2 tạ sợi. Những ngày qua, ông liên tục chở đến công ty nhưng lại phải ngậm ngùi kéo về vì không bán được hàng.

“Ngày mới trồng, nhà máy chạy theo dân để mua sản phẩm. Giờ dân chạy theo nhà máy nài nỉ mà cũng có bán được sợi đâu. Hàng tồn kho lâu ngày ẩm, mốc, hư hỏng rồi đến khi họ nhập lại thì hàng lại hỏng mất”, ông Băng buồn bã nói.

Bà Nguyễn Thị Hương (thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú) cho biết, gia đình bà có 2,5ha đất đồi. Trước đây, nhà bà trồng mía mang lại thu nhập ổn định, nuôi được 3 đứa con ăn học, thậm chí là mua được cho mỗi đứa một miếng đất để dựng vợ gả chồng.

Năm 2020, chính quyền địa phương vận động trồng cây gai xanh mang lại thu nhập cao, gia đình bà Hương đã nghe theo và chuyển toàn bộ sang trồng cây gai.

Theo bà Hương, khi người dân bắt đầu làm ổn định thì đầu năm 2022 nhà máy sợi chững lại, công ty nhập hàng chậm thanh toán tiền. Đơn cử như vụ tháng 8 vừa qua, người dân phải “cầu cứu” cơ quan chức năng thì đến trung tuần tháng 11 mới được thanh toán.

Trồng 'cây làm giàu', người dân Thanh Hoá lâm cảnh nợ nần

Ông Băng bức xúc vì nhiều lần không bán được hàng.

“Cứ một đợt thu hoạch, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 40 triệu đồng tiền thuê nhân công. Đợt vừa qua, công ty chậm trả tiền khiến gia đình tôi phải đi vay nóng 40 triệu đồng với lãi suất 2% để trả tiền nhân công. Trồng cây gai xanh bây giờ người dân như ngồi trên đống lửa”, bà Hương chia sẻ.

Cũng như nhà bà Hương, một cán bộ xã ở Cẩm Thủy cho hay gia đình anh cũng đầu tư trồng 1,7ha cây gai xanh, đến nay đang nợ khoảng 70 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, thừa nhận thực trạng trên đang diễn ra tại địa phương. Xã cũng đã có báo cáo với huyện đề nghị giải quyết khó khăn cho người dân. Đến nay, hầu hết người trồng gai xanh chưa xuất được hàng với số lượng lớn. Đơn cử, nhà bà Thanh hơn 10 tấn, nhà ông Thắng hơn 2,2 tấn, nhà ông Tuyên 1,3 tấn, nhà ông Quyết 1,2 tấn...

“Để ổn định tình hình sản xuất cũng như duy trì diện tích trồng cây gai xanh hiện có, UBND xã đề nghị huyện Cẩm Thủy làm việc với Công ty sợi An Phước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân”, ông Sử kiến nghị.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phạm Minh Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy - thông tin trên địa bàn huyện có hơn 400ha trồng cây gai xanh. Phía nhà máy cho hay đã trả tiền chậm trước đó cho người dân và hứa sẽ thu mua hàng tồn trong thời gian tới.

tin liên quan

Bình luận

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Trồng 'cây làm giàu', người dân Thanh Hoá lâm cảnh nợ nần - Đời Sống