Là vùng trồng thanh long lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Bình Thuận) nhưng thời gian qua, rất nhiều nông dân ở tỉnh Long An, Tiền Giang đã quay lưng, chặt bỏ cây thanh long, loại cây trồng từng được gọi là cây “tỷ đô” vì mang lại giá trị cao. Vì sao vậy?
Một số hộ nông dân vẫn cầm cự, cố gắng giữ vườn thanh long với hy vọng tăng giá trở lại.
Thanh long hiện được trồng chủ yếu ở 2 địa phương là Long An và Tiền Giang. Được coi là loại cây “tỷ đô”, nhưng giá trị xuất khẩu loại quả này đang giảm dần trong 3 năm trở lại đây. Theo bà Trần Thanh Bình - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 80 - 85% sản lượng thanh long phục vụ xuất khẩu, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu, chiếm tỷ trọng trên 80% tổng kim ngạch. Bởi vậy, khi Trung Quốc giảm nhu cầu thì xuất khẩu thanh long cũng giảm mạnh.
3 năm mất giá 5 lần!
Xuất khẩu giảm, giá thanh long hạ chỉ còn khoảng 2.000 - 2.500đồng/kg khiến người nông dân không còn mặn mà với loại quả này. Tình trạng nông dân bỏ hoang, chặt thanh long để thay thế bằng những loại cây khác diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt hơn, do giá thấp nên nhiều hộ trồng thanh long dù chưa chặt bỏ nhưng do thiếu nguồn vốn tái đầu tư (phân bón, chăm sóc, hệ thống tưới tiêu, đèn điện...) nên cũng không còn mặn mà, từ đó dẫn đến sản lượng, chất lượng giảm rõ rệt.
Là người gắn bó nhiều năm với cây thanh long, ông Nguyễn Văn Thông, 56 tuổi, trú xã An Lục Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, gia đình anh hơn 10 năm qua luôn duy trì khoảng 2.000 tới 3.000 trụ thanh long. Giá cả lúc lên, lúc xuống nhưng gia đình vẫn cố gắng duy trì.
“Quanh đây nhiều vườn đã chặt thanh long để chuyển qua cây trồng khác. Bà xã tôi cũng muốn chặt thanh long đi vì cứ duy trì thì không đủ trả tiền điện. Nhưng tôi vẫn muốn giữ và hy vọng vụ tới thanh long sẽ tăng giá” - ông Thông chia sẻ và cho biết thêm, hơn chục năm qua, gia đình ông có khá nhiều vụ trúng mùa thanh long, có năm thu lãi tới 600 triệu đồng, xây được nhà, mua chung cư trên thành phố cho con gái. Chính vì vậy, việc chặt bỏ thanh long để chuyển sang cây trồng khác cũng không hề dễ dàng bởi ruộng thanh long được đầu tư rất lớn và phải mất từ 2 tới 3 năm để thu hoạch loại cây mới.
Nhiều nhà vườn ở các xã như An Lục Long, Phú Nghĩa Trị, Phước Tân Hưng, thị trấn Tầm Vu… (huyện Châu Thành) hiện cũng trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tính từ năm 2021 tới nay có khoảng 5 lần thanh long bị sụt giá mạnh khi rộ mùa thu hoạch khiến nông dân thua lỗ. Trong đó có đợt năm 2021 và 2022, giá thanh long ở khu vực này chỉ còn 2.000-5.000 đồng/kg. Giá giảm, khó bán, để hỗ trợ bà con nông dân, chính quyền địa phương vào cuộc giải cứu, liên kết với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích ở TPHCM để tiêu thụ thanh long, nhưng do sản lượng quá lớn, tiêu thụ nội địa không đáp ứng kịp.
Giá thanh long xuống thấp nhiều lần trong vài năm qua.
Năm nào cũng hụt vốn
Tình trạng khó khăn cũng bủa vây người trồng thanh long ở Tiền Giang - nơi có vị trí địa lý giáp ranh với tỉnh Long An. Hiện Tiền Giang có 8.700ha thanh long, giảm khoảng 1.000ha so với 3 năm trước.
Cũng như nông dân Long An, cây thanh long từng mang lại nguồn thu lớn cho nhiều người ở Tiền Giang, nhưng mấy năm qua, người trồng buộc phải chặt bỏ vì giá cả bấp bênh, chủ yếu là thấp khi chính vụ, cao khi đã hết vụ thu hoạch.
Ông Trần Văn Hòa, 45 tuổi, ở xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, trung bình giá thanh long từ 10.000 đồng/kg thì nông dân mới bắt đầu có lãi. Nếu giá thanh long ở dưới mức đó thì chắc chắn thua lỗ.
“Trồng thanh long cần rất nhiều vốn. 4 năm trước, tôi phải vay ngân hàng gần 200 triệu đồng để mở rộng vườn thanh long. Thế nhưng từ đó tới nay năm nào cũng bị hụt vốn vì giá thanh long thấp quá. Cũng có lúc giá nhích lên 20.000 tới 25.000 đồng/kg nhưng đều thời điểm thấp vụ, giá chỉ 3-4 nghìn đồng/kg. Mà như thế thì cầm chắc lỗ rồi” - ông Hòa chia sẻ.
Theo tính toán của người dân, trung bình, giá bán đối với thanh long xử lý ra hoa trái vụ từ 10.000-12.000 đồng/kg nông dân mới có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, thời gian qua, giá thanh long liên tục giảm mạnh nên các chi phí đầu tư như tiền điện, phân bón, nhân công,... trở thành áp lực với người nông dân.
Nông dân miền Tây không còn mặn mà với cây thanh long.
Tiêu điều “thủ phủ” thanh long
Khoảng 5 năm trước, nếu di chuyển trên các tuyến đường tỉnh lộ 827, 827D, 878C, 879… qua tỉnh Long An, Tiền Giang sẽ thấy hàng trăm vựa thanh long ven đường, tấp nập xe container ra vào lấy hàng. Buổi tối, những cánh đồng thanh long dài hàng cây số sáng đèn như một nơi phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên hiện nay đã không còn hình ảnh này. Buổi tối, các vựa thanh long hiếm khi chong đèn bởi giá điện tăng cao, trong khi giá thanh long xuống thấp.
Nhiều vườn thanh long giờ bị người dân bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều hộ nhổ bỏ cọc bê tông để chuẩn bị trồng những cây khác.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, thời gian qua nông dân chặt bỏ thanh long khiến diện tích cây trồng này giảm mạnh. Thống kê của ngành nông nghiệp Long An cho thấy, hiện tỉnh có khoảng 7.000ha, mức này đã giảm khoảng 3.000ha so với thời điểm năm 2020. Đây cũng là loại cây trồng có diện tích giảm mạnh nhất trong cùng thời gian qua.
Bà Khanh nêu nguyên nhân khiến nông dân chặt bỏ thanh long là do giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn vì trái cây này chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo bà Khanh, cây thanh long là phù hợp với thổ nhưỡng của nhiều địa phương ở Long An và từng phát huy thế mạnh. Tuy nhiên hiện nay nông dân chặt bỏ và chuyển sang cây trồng khác (như bưởi da xanh, dừa xiêm, mít…). Ngành nông nghiệp cũng ra khuyến cáo người dân thận trọng, tính toán thật kỹ, tránh tình trạng trồng rồi lại chặt.
Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, ngoài diện tích cây trồng bị giảm mạnh, sản lượng thanh long cũng giảm nhiều, chỉ bằng một nửa so với thời điểm “hoàng kim”. “Dù chưa chặt bỏ vườn thanh long nhưng giá thấp kéo dài khiến bà con không có nguồn vốn đầu tư để mua chi phí phân bón, nhân công chăm sóc, điện chiếu sáng” – ông Trịnh cho biết.
Nói về tình trạng hiện nay của trái thanh long, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, nhìn lại những năm qua, giá thanh long cứ lên xuống trong trạng thái “tiếng khóc, nụ cười”. Điều đó, đặt ra vấn đề phải làm sao phát triển bền vững cho ngành hàng giàu tiềm năng này.
Theo đề án về xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến năm 2025, toàn ngành trái cây sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm nay, xuất khẩu trái cây khả năng sẽ đạt con số này, vượt kế hoạch 2 năm. Đó là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu. Thế nhưng, trái thanh long lại đi ngược với xu hướng tăng này.
“Quy hoạch vùng trồng chúng ta đã có, có cả đề án về phát triển công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến trái cây, xác định thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, 3 việc này cần phải tích hợp lại. Không chỉ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, giống, biện pháp canh tác, liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp mà còn phải phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với thị trường xuất khẩu” – ông Hiệp nhấn mạnh và chia sẻ thêm, mít đã bắt đầu xuống giá và cũng “nóng, lạnh” như thanh long. Tương tự, trái sầu riêng vẫn chủ yếu xuất khẩu tươi. Như vậy, phải đầu tư vào chế biến sâu, muốn vậy cần có công nghệ cạnh tranh; đồng thời, phải xây dựng được thương hiệu, kênh phân phối để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, muốn thanh long phát triển bền vững, cần phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn; song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Đồng thời, cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, bởi dù giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì hiệu quả cũng không cao.
Cần tăng thêm sản phẩm chế biến
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, diện tích thanh long của địa phương đã giảm mạnh so với trước dịch Covid-19. Nguyên nhân chính dẫn đến diện tích thanh long sụt giảm mạnh là do ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19. Do xuất khẩu thanh long thời gian qua gặp khó, giá thanh long xuống thấp nên nhiều hộ dân bỏ vườn.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng sản lượng thanh long khiến việc xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thanh long sắp vào đợt thu hoạch nghịch vụ nên dự đoán giá thanh long sẽ ở mức ổn định so với năm 2022.
Về lâu dài ông Trịnh cho rằng, cần tăng thêm sản phẩm chế biến bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng thị phần sang các nước khác. Hiện Long An có 2 doanh nghiệp có sản phẩm chế biến từ thanh long để xuất khẩu rất tốt. Vì vậy, cần có những chính sách để phát triển theo hướng công nghệ cao để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chủ đề: nông dân Vì sao quay lưng 'tỷ đô' với cây