Đối tượng của một cuộc kiểm toán chuyên đề không chỉ là các báo cáo tài chính mà là các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, có rủi ro cao trên phương diện quản lý nhà nước, vận hành chính sách với phạm vi ảnh hưởng ở nhiều địa phương, bộ, ngành và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội .
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị Ban Đề tài làm nổi bật nội dung hướng dẫn thực hiện kiểm toán chuyên đề từ khâu xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn đến tổ chức thực hiện kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly
Sáng 5/10, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Lại Xuân Nghị - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V, ThS. Nguyễn Văn Hiệu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN KTNN khu vực IV và ThS. Phạm Thanh Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV đồng chủ nhiệm.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Cùng tham dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng và Ban Đề tài.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly
Theo ThS. Lại Xuân Nghị, gần 30 năm hoạt động, KTNN đã thực hiện hàng trăm cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó, nhiều cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, tập trung vào các đối tượng sử dụng nhiều nguồn lực tài chính quốc gia, như: Phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; quản lý sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoảng sản; quản lý, sử dụng vốn ODA; mua sắm trang thiết bị y tế; công tác quản lý nhà nước về hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá...
Kết quả kiểm toán của KTNN đã góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Đồng thời, đáp ứng kịp thời chức năng giải trình của Chính phủ trước đại biểu Quốc hội và cử tri, cung cấp kịp thời thông tin cho các phiên họp của Quốc hội.
ThS. Lại Xuân Nghị - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V - thay mặt Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly
Việc xác định nội dung, phạm vi, mục tiêu của cuộc kiểm toán chuyên đề có sự khác biệt so với các cuộc kiểm toán khác. Theo đó, kết quả của cuộc kiểm toán chuyên đề sẽ là những đánh giá trên diện rộng về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với chủ đề được kiểm toán. Các kiến nghị của KTNN đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn xét trên tổng thể cả nền kinh tế và tránh được sự lãng phí đối với việc sử dụng các nguồn lực công tại các đơn vị.
Chính bởi những đặc trưng riêng biệt của từng chủ đề, lĩnh vực được lựa chọn kiểm toán nên mỗi cuộc kiểm toán chuyên đề sẽ phụ thuộc vào phạm vi kiểm toán để triển khai thực hiện theo cách thức riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, KTNN vẫn cần xây dựng một hướng dẫn chung tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất trong toàn Ngành với các yêu cầu chung về: Nguyên tắc, định hướng, trình tự, thủ tục, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kiếm toán...
Đề tài nghiên cứu được kết cấu gốm 3 chương: Chương 1 - Một số vấn đề chung về kiểm toán chuyên đề; Chương 2 - Thực trạng công tác kiểm toán chuyên đề của KTNN và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán chuyên đề; Chương 3 - Hướng dẫn tổ chức kiểm toán chuyên đề.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu góp ý với Ban Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá, kiểm toán chuyên đề là một trong những loại hình kiểm toán quan trọng của KTNN. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu, đến năm 2025, KTNN sẽ thực hiện 30% cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề hằng năm và đến năm 2030 thực hiện 40% cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề hằng năm. Do đó, Đề tài sau khi hoàn thành có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao đối với hoạt động chuyên môn của KTNN.
Để Đề tài hoàn thiện và bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu,bổ sung những đặc trưng của cuộc kiểm toán chuyên đề; tập trung vào những nội dung mang tính khác biệt của kiểm toán chuyên đề, nhất là khâu lập kế hoạch trung hạn, dài hạn.
Ban Đề tài cần bổ sung đặc điểm công tác tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề, trong đó, tập trung chỉ ra những đặc điểm trong công tác tổ chức và thực hiện kiểm toán chuyên đề khác biệt so với các cuộc kiểm toán khác; tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề; những nhân tố ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề.
Tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, thời gian tới, KTNN sẽ thực hiện nhiều cuộc kiểm toán lớn như: Kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý, bảo vệ môi trường; kiểm toán hoạt động liên quan đến nhà ở xã hội, thị trường bất động sản gắn với chuyên đề giám sát của Quốc hội… Do đó, Ban Đề tài cần nghiên cứu, làm rõ thêm việc lập kế hoạch, lựa chọn tiêu chí, thu thập thông tin, cách thức triển khai kiểm toán… đối với các cuộc kiểm toán này trong trung hạn và dài hạn.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị Ban Đề tài tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến góp ý của Hội đồng nghiệm thu để hoàn thiện Đề tài đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra. Trong đó, cần lưu ý làm nổi bật phần hướng dẫn thực hiện kiểm toán chuyên đề từ khâu xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn, tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề phù hợp với thực tiễn; rà soát nội dung đảm bảo tính logic, cân đối giữa các chương.