Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,52 triệu tấn và 1,72 tỷ USD, tương ứng tăng 16,2% về khối lượng và 4,6% về giá trị.
Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với 43,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 5 tháng đạt 1,27 triệu tấn và hơn 589 triệu USD, tăng 34,8% về khối lượng và 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với Philippines, Mỹ là thị trường ngày càng chuộng gạo Việt. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất sang quốc gia này tăng 71,3%, mức tăng cao nhất trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA, thị trường này rất ưa chuộng các loại gạo thơm, hạt dài như ST25 của Việt Nam. Đây là loại gạo đã nhập khẩu vào Mỹ gần 2 năm nay.
Tương tự, EU cũng là khu vực gia tăng nhập các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Trong tháng 6, lần đầu tiên, 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của Lộc Trời đã được xuất sang Đức, Hà Lan và Pháp. Tại Pháp, thương hiệu trên của Lộc Trời được bày bán tại Carrefour – hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.
Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Thanh Trần.
Mặc dù đang được thị trường Mỹ, châu Âu ưa chuộng, gạo Việt vẫn đứng trước nhiều thách thức khi đối thủ là Thái Lan, Ấn Độ đang bán gạo với giá rẻ do đồng tiền nước này giảm mạnh.
Cụ thể gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan ở mức 420-425 USD một tấn, giảm 25 USD so với tháng trước. Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm ở mức 355-360 USD một tấn, giảm 2 USD so với đầu tháng. Đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục làm tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ doanh số bán hàng ở nước ngoài. Đặc biệt là loại gạo tấm của Ấn Độ, xuất khẩu đang rất tốt do giá cả cạnh tranh hơn đối thủ. Lệnh cấm bất ngờ của Ấn Độ đối với xuất khẩu lúa mì vào tháng trước đã khiến các nhà buôn gạo tăng cường mua và đặt các đơn đặt hàng bất thường cho các đợt giao hàng lâu hơn, do lo ngại sẽ bị hạn chế.
Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 418-423 USD một tấn, tăng 3 USD so với tháng trước. Nguồn cung đang tăng nhưng theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, nhu cầu tiêu thụ có xu hướng giảm.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, dù thị trường nhập khẩu biến động và cạnh tranh mạnh mẽ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay ước đạt 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021 với trị giá trên 3,2 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng. Ngành hàng này tiếp tục là trụ cột để giúp ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cán đích kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD.
Thi Hà