Socola là sự pha trộn của bột cacao, bơ cacao và chất làm ngọt, tỉ lệ của từng thành phần thay đổi tùy theo sở thích của mỗi cá nhân.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhiều người thèm socola do căng thẳng cao độ, mất cân bằng nội tiết tố hoặc để thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt. Ngoài ra, việc cơ thể thiếu hụt magie cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thèm socola quá mức.
Magie đóng vai trò giúp cơ thể xây dựng các tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương, làm giảm tỉ lệ gãy xương do loãng xương. Magie rất cần thiết để thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi. Nếu không có đủ magie thì canxi trong cơ thể có thể góp nhặt từ các mô mềm và gây viêm khớp.
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết, cacao (được sử dụng trong socola) có chứa một lượng lớn magie, khiến các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu việc thiếu magie có thể là nguyên nhân dẫn đến cảm giác thèm socola của mọi người hay không?
Theo nhà dinh dưỡng học Nmami Agarwal, người sáng lập & Giám đốc điều hành của Trung tâm dinh dưỡng NmamiLife (Ấn Độ): “Vì magie có thể giúp giảm bớt chứng chuột rút cơ bắp nên nhiều người, đặc biệt là phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, có xu hướng thèm socola để giảm bớt các loại cơn đau”.
Có nên ăn nhiều socola để bổ sung magie?
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng (The Journal of Food Science and Nutrition) xác nhận rằng, socola đen chứa đến 90% cacao, là một nguồn cung cấp magie tuyệt vời. Trên thực tế, 100gram socola đen sẽ chứa khoảng 252,2 mg magie.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều socola lại có thể gây hại cho sức khỏe. Một người không được ăn quá 30 đến 60 gram socola trong một ngày. Đặc biệt, với socola đen nguyên chất chỉ nên dùng 10-30g hoặc hai ly socola đen nóng hoặc hai muỗng cà phê socola đen nguyên chất mỗi ngày và đảm bảo không quá 200g mỗi tuần. Tiêu thụ quá nhiều socola sẽ làm tăng lượng calo hằng ngày, dẫn đến tăng cân, tăng nguy cơ mắc tiểu đường, tăng nguy cơ đau nửa đầu, gây khó chịu trong dạ dày, gây bồn chồn, mất ngủ.
Vì vậy, theo nhà vật lý trị liệu và dinh dưỡng lâm sàng – TS. Rebecca Pinto (Mumbai, Ấn Độ), nếu muốn bù đắp magie cho cơ thể, mọi người nên kết hợp các thực phẩm giàu chất này có trong trái cây, rau và các loại hạt như: hạt bí ngô, hạt chia và quả bơ… vào chế độ ăn hằng ngày.
Ảnh minh họa
Nên tiêu thụ magie bao nhiêu mỗi ngày?
Lượng magie được khuyến nghị hằng ngày ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của họ.
Theo báo cáo của Trường Y tế Công cộng Harvard, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người lớn từ 19 đến 51 tuổi trở lên là 400 - 420 mg mỗi ngày đối với nam, 310 - 320 mg đối với nữ.
Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ cần khoảng 350-360 mg magie mỗi ngày, trong khi bà mẹ đang cho con bú cần 310-320 mg. Do đó, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến chuyên gia và hiểu liều lượng thích hợp phù hợp với cơ thể.
Phương Anh (Theo Food.ndtv)