Đó là tâm sự của chị Lan (TP.HCM) về hành trình 3 lần phẫu thuật của cha tại một bệnh viện tỉnh trong cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế. “Tôi không khiếu nại bệnh viện, nhưng không thể im lặng khi phải tự mua dao mổ, găng tay”, chị trải lòng.
LỜI TÒA SOẠN
Sau đại dịch Covid-19, hầu hết bệnh viện công từ tuyến cơ sở đến trung ương ở Việt Nam đều rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Sáng 1/11, trả lời trong phiên thảo luận Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định nguyên nhân chủ quan là hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập. Việc tổ chức mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, đặc biệt là có tâm e ngại sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương.
VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Vì sao tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gỡ mãi vẫn rối? để phản ánh câu chuyện thực tế từ các bệnh viện tuyến trung ương đến cơ sở.Kỳ 1: Không giám đốc nào muốn bị bêu, bệnh nhân phàn nàn vì thiếu thuốc, vật tư y tế.Gia đình bệnh nhân tự mua dao cho ca mổ
Chia sẻ với VietNamNet, chị Nguyễn Thị Lan (tên nhân vật đã thay đổi, ngụ tại TP.HCM) cho hay đây là lần đầu tiên gia đình chị rơi vào cảnh phải bi hài: tự tìm mua toàn bộ vật tư y tế cho cha trước ca phẫu thuật.
Cha của chị năm nay 59 tuổi, sống tại Bình Dương. Ba tháng trước, ông được chẩn đoán bị sỏi thận hai bên, chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Bình Dương điều trị. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da (thực hiện hai lần vào ngày 14 và 23/8).
Ngày nhập viện đầu tiên, ông phải tự đi mua 14 loại bao gồm bông gạc, dây hút dịch, chỉ phẫu thuật, bơm tiêm điện… với chi phí hơn 200.000 đồng tại nhà thuốc bệnh viện (không được hưởng Bảo hiểm y tế).
Trước phẫu thuật nội soi một ngày, nhân viên y tế đưa cho chị Lan một tờ giấy ghi danh sách 24 loại vật dụng cần mua, bao gồm dao phẫu thuật số 11, găng vô khuẩn, gạc phẫu thuật, bỗ khăn trải lấy sỏi, bơm kim tiêm, băng keo, dây dịch truyền, bao camera, ống hút phẫu thuật, sonde JJ niệu quản, ống nội khí quản… Trong đó, găng tay là 10 bộ, bơm tiêm 10 cái, kim pha thuốc 10 cái, gạc 20 cái…
“Thậm chí, cha tôi và một bệnh nhân khác còn chia tiền để mua một loại vật tư y tế có hình dáng giống như chiếc vòng, có giá khoảng 800.000 đồng. Bác sĩ nói có thể dùng chung cho 2 bệnh nhân trong 2 ca phẫu thuật”, chị Lan nói.
Trải nghiệm tự tìm mua vật tư y tế để cha xách vào phòng mổ của chị Lan. Ảnh: NVCC.
Chị Lan tìm mua toàn bộ những đồ dùng trên dễ dàng tại một nhà thuốc trước cổng bệnh viện nhưng tâm trạng vô cùng băn khoăn. Cha của chị có Bảo hiểm y tế theo diện hưởng 100%. Năm năm trước, ông phẫu thuật chính tại bệnh viện này mà không tốn xu, kết quả điều trị rất tốt. Còn lần nhập viện này lại quá sóng gió.
Theo chị Lan, nhà thuốc tư nhân bán các vật tư cho ca phẫu thuật với giá 2,5 triệu đồng mà không có hoá đơn. Khi yêu cầu đơn giá còn bị tỏ vẻ khó chịu và cũng không cung cấp được.
“Điều ngạc nhiên nhất là đến chiếc dao mổ hay tấm vải xanh trải trên bàn phẫu thuật, chúng tôi cũng phải tự tìm mua. Cha tôi xách túi đựng những vật dụng này đến tận phòng mổ đưa cho nhân viên bệnh viện. Không phải một lần, cha tôi mổ 3 lần trong đợt này thì cả 3 lần phải tự mua vật tư y tế”, chị Lan nói.
Lần thứ ba diễn ra vào đầu tháng 9, bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn sỏi chưa lấy ra hết hoàn toàn và rơi xuống niệu đạo. Cha chị Lan phải được nội soi tán sỏi thận bằng ống mềm. Gia đình tiếp tục phải mua thêm một loại đồ có tên “giá đỡ ống sỏi mềm” với giá hơn 5 triệu đồng.
“Không chỉ mình cha tôi mà những người nằm cùng phòng bệnh đều chung cảnh ngộ. Khi cha nằm hậu phẫu, nhân viên y tế gọi tôi lên để đi mua paracetamol dạng truyền vì hết thuốc. Thực sự mà nói, không khác gì việc bệnh viện cung cấp bác sĩ, còn lại là người bệnh lo hết”, chị Lan tâm sự.
Theo chị, điều đáng buồn là người bệnh không hề nhận được sự tư vấn hay giải thích về lý do phải mua sắm vật tư y tế bên ngoài. “Tôi không khiếu nại hay phàn nàn gì bệnh viện hay bác sĩ. Nhưng nếu không lên tiếng về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế mà cha tôi vừa trải qua, tôi nghĩ rất nhiều bệnh nhân khác sẽ phải chịu thiệt thòi. Bản thân các y bác sĩ cũng vất vả”, chị Lan nói.
'Thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài: Trách nhiệm đầu tiên là Bộ Y tế'
Về trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Lan xảy ra rất gần đây, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bình Dương xác nhận bệnh nhân phải tự ra ngoài mua vật tư y tế trong quá trình điều trị sỏi thận. Lý do được cho là: "Công tác đấu thầu còn nhiều khó khăn, nhiều gói thầu vật tư tiêu hao phải trình qua các cấp phê duyệt, các thông tư nghị định về đấu thầu thay đổi… nên chưa có kết quả thầu".
Hiện tại, lãnh đạo bệnh viện này cho biết găng tay, bông gòn băng gạc đã có tại viện. Các gói vật tư đã đến giai đoạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, khoảng 2-3 tháng sẽ đầy đủ vật tư tiêu hao tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương.
Người bệnh, thân nhân từ nhiều tỉnh thành lên TP.HCM khám và điều trị. Ảnh: Thế Sơn.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thiếu thuốc, vật tư y tế không phải là hiện tượng mới mà xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch. Bộ trưởng nhận định nguyên nhân chủ quan là hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập. Việc tổ chức mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, đặc biệt là có tâm e ngại sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn chia sẻ thời điểm này, việc mua bán vật tư y tế vẫn đang "rất rối". Ông cũng nêu thực tế bệnh viện cấp tỉnh đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào Sở Y tế, Tài chính, UBND, tình trạng "sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở".
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị cần cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua vật tư y tế bên ngoài, đối với những loại có trong danh mục Bảo hiểm y tế. “Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan Nhà nước. Do đó, nhân dân cần cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này”, bà nói.
Chia sẻ với VietNamNet, Phó giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khoá XIII, cho rằng thực trạng thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài là điều không thể chấp nhận được. “Trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Y tế. Bộ Y tế phải trả lời lý do tại sao, vì thiếu tiền hay vì cơ chế hay cán bộ sợ trách nhiệm? Tại sao thuốc men vật tư y tế trên thị trường không thiếu, nhưng ở bệnh viện công thì thiếu? Không thể chấp nhận để cho người bệnh chịu cảnh thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế”, bà An nói.
Chị Lan, một trong những nạn nhân của tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, cho hay: “Tôi tha thiết mong các bộ ngành hãy có phương án nào đó sớm giúp người bệnh”. Bởi lẽ, sức khỏe và tính mạng của người dân, không thể chờ đợi.
Giải pháp nào để gỡ rối?
Hiện tại, việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đã được cơ bản giải quyết tại một số bệnh viện tuyến trung ương, tuy nhiên, các bệnh viện tuyến tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Giải pháp nào đã và sẽ giúp khắc phục tình trạng này?
Kỳ 3: Thuê đơn vị tư vấn làm thầu có giúp bệnh viện thoát cảnh thiếu thuốc, vật tư?
Bệnh viện Bạch Mai chi gần 4.000 tỷ đồng mua trang thiết bị, vật tư, thuốc
Từ tháng 3 tới nay, Bệnh viện Bạch Mai đã mua sắm trang thiết bị, vật tư và thuốc hết gần 4.000 tỷ đồng để phục vụ công tác khám chữa bệnh.
'Không giám đốc nào muốn bị bêu, bệnh nhân phàn nàn vì thiếu thuốc, vật tư'
"Lãnh đạo bệnh viện đều muốn mua được thiết bị, vật tư, thuốc, không ai muốn bị 'bêu', bị bệnh nhân phàn nàn. Điều lo nhất là không biết mình làm chưa đúng”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết.
Bình luận